Header Ads

TIN MỚI NHẤT

Ý nghĩa giáo dục của đồng dao Việt Nam

Với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin cùng những trò chơi hiện đại, liệu trẻ em hôm nay và thế giới ngày mai còn nhớ đến những trò chơi cổ truyền dân gian? Những trò chơi dân gian đã đến với trẻ thơ một cách nhẹ nhàng theo kiểu “vừa học, vừa chơi”, qua những bài đồng dao theo cách nói vần, và đồng dao đã làm tốt chức năng biểu đạt ý, giáo dục nhận thức, bồi dưỡng tình cảm cho trẻ.



Trò chơi cổ truyền của trẻ em được hình thành và lưu truyền theo phương thức của văn hóa dân gian.

Việc sáng tạo được thực hiện trong một quá trình lâu dài bao gồm: sáng tạo – lưu truyền – sử dụng - điều chỉnh. Ở đây, chủ thể sáng tạo, sử dụng, lưu truyền và tái tạo các trò chơi này chủ yếu là trẻ em. Qua các trò chơi cổ truyền của trẻ em, ta có thể rút ra được thế nào là những trò chơi thích hợp với nhu cầu nguyện vọng và tâm lý của trẻ em, xét ở nhiều phạm vi như: lời đồng dao, động tác chơi, qui trình tổ chức chơi, chủ định chơi, các luật chơi… Trong đó, lời đồng dao có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần làm cho trò chơi hấp dẫn và bổ ích với các em.

Đồng dao nghĩa là ca dao nhi đồng, hay chính là lời ca dân gian của trẻ em.


Nếu ca dao là nguồn sống tâm tư của lớp người lớn, sinh hoạt thi ca là hình thức giao cảm giữa cuộc sống, thì đồng dao cũng lại tác động vào nguồn sống nhi đồng cùng tính chất tương tự. Đồng dao có tác dụng thỏa mãn nhu cầu vui chơi và tập cho trẻ có một số tri thức để bước vào đời. Chức năng chủ yếu của đồng dao là thẩm mỹ và giáo dục. Cấu tạo của đồng dao có những nét độc đáo, không áp dụng vào tục ngữ, ca dao được. Do ngôn ngữ đặc thù, đồng dao đã góp phần trong việc bồi dưỡng rèn luyện tiếng nói cho trẻ thơ. Trước hết là tập cho các em nhỏ tuổi phát âm chính xác: Nu na/ Nu nống/ Cái trống/ nằm trong/ Cái nong/ nằm ngoài/… Bài đồng dao này luyện cho các em nói âm N phân biệt với L. Hay trò chơi Đếm sao: Một ông/ sáng sao/ Hai ông/ sao sáng/ Ba ông/ sáng sao… là bài tập về số đếm, vui vẻ, nhẹ nhàng, không nặng nề như một số bài số học.

Một điểm khác trong cấu tạo đồng dao là, những bài này thường không có một đề tài tập trung.


Các bài hát trẻ em, phần lớn gần như chỉ là những đoạn chắp vá, gặp đâu nói đó, cốt cho vần vè, còn ý nghĩa chung thì rời rạc, câu nọ xọ sang câu kia, đang nói chuyện này bắt sang chuyện khác. Ví như đang “cái trống nằm trong, cái ong nằm ngoài”, lại chạy sang “củ khoai chấm mật”, rồi “phật ngồi phật khóc”. Nhưng xét cho kỹ, nó vẫn có cái lý của nó, vì nó được trẻ em thích thú, phù hợp với đặc điểm trí lực của các em. Điều cơ bản dành cho các em là tiếp thu ngoại vật bằng ấn tượng, chứ không thể bằng lý luận.

Trong các bài đồng dao có những câu không dịch, không giảng được, song không phải là không có ý nghĩa

Ví  như nu na nu nống, dung dăng dung dẻ, chồng lộng chồng cà, dâm dâm da da, chi vi chi vít… Đây là những lời dẫn cảm, gây hứng thú cho trẻ. Trẻ em khi mới tập nói thường bập bẹ những câu, những tiếng mà âm phát ra đều bị chệch đi. Người lớn nói chuyện với các em, thường bắt chước, kéo nhè giọng cho hòa với các em. Người ta có thể dựa ngay vào động tác của một trò chơi, hay một hành động nói đến trong bài đồng dao, rồi lấy từ chính diễn tả sự việc, dùng phương pháp từ lấp láy, cấu tạo tiếng đệm mà phát triển ra thành ngôn ngữ. Trò dung dăng dung dẻ tập trung ý nghĩa ở chữ dăng, có nghĩa là dăng tay; trò Vu vi vút vít có chữ vút, trẻ cầm cây roi vung khắp xung quanh.

Sinh hoạt đồng dao có tác dụng luyện trí nhớ cho trẻ em.


Trẻ không thuộc bài hát thụ động mà thuộc với tất cả sự hứng thú của nó. Tham gia sinh hoạt đồng dao là đứa trẻ đã bắt đầu bước vào sinh hoạt văn hóa tập thể một cách tự nguyện. Tuỳ theo lứa tuổi, trẻ có thể chơi các trò khác nhau. Lúc còn nhỏ, chúng có thể chơi các trò: Chi chi chành chành, Thi chân đẹp, Kéo cưa lừa xẻ, Dung dăng dung dẻ… Khi lớn hơn ở lứa tuổi nhi đồng, trẻ có thể chơi những trò góp phần làm phát triển thể lực của trẻ em, kết hợp các động tác và hơi thở trong lúc hát, lúc diễn: An tìm, Thả đỉa ba ba, Rồng rắn, Nhảy ra nhảy vô, Bịt mắt bắt dê, Chuyền thẻ…

Đồng dao cũng là một cuốn từ điển sống, chứa đựng một kho từ vựng phong phú.


Đối với các em nhỏ, thì trong một bài đồng dao số lượng từ còn ít như ở trò Chi vi chít vít: Chi vi/ Chít vít/ Bán mít/ chợ Đông/ Bán hồng/ chợ Tây/ Bán mây/ chợ huyện/ Bán miến/ chợ Đào/… (có các từ: mít, hồng, mây, miến, chợ, bán…). Ở các trò chơi cho tuổi lớn hơn, trong một bài hát có chứa hàng chục từ. Ví dụ bài Chuyền thẻ chứa các cụm từ: con chai, con hến; con nhện, chăng tơ; củ mơ, củ mận; con rận, cành thị, cành na, cành đào, củ từ, củ khoai, con tằm, củ cải, cái cột, quả cà, giã giò, con cò, đầu quạ; quá giang, sang sông, đi đò, cò nhảy, gãy cành; mây leo, bèo nổi, ổi xanh, hành bóc vỏ, trứng đỏ lòng, tôm cong, đít vịt; vào làng, xin thịt, ra làng, xin xôi… Thông qua kho tàng từ ngữ giàu có, đồng dao giáo dục các em nhận thức được tự nhiên và xã hội.

Trong đồng dao, ngôn ngữ có tính thơ ca, có vần, có nhịp, nhưng niêm luật còn lỏng lẻo.


Ngữ nghĩa không phải là yếu tố được quan tâm duy nhất, mà các em chú ý nhiều đến ngữ âm, nhịp vần. Đó là một thứ lời nói vần, một bước trung gian từ ngôn ngữ giao tiếp đến thơ dân gian. Trò chơi không thể lặng lẽ, không khí vui chơi cần được khuấy động bằng tiếng nói của những người chơi, thường là nhộn nhịp, sôi nổi và đồng loạt. Trò Đi dạo, trò Kéo cưa sẽ vui, nhộn hơn nhiều khi người chơi vừa làm động tác vừa hát to: Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi…; Ông thợ nào khoẻ/ Thì ăn cơm vua..

Nhiều trò chơi có yêu cầu thao tác, các thao tác phải đều đặn và đồng loạt.


Ở đây, lời đồng dao được xướng lên như một thứ nhạc cụ gõ nhịp cho các thao tác (như các trò Giã gạo, Chuyền thẻ, Vuốt đôi tay…). Trò chơi Vuốt đôi tay có yêu cầu các em đập bàn tay vào nhau đúng lúc. Lời ca nhịp với 4 từ, có vai trò gõ nhịp cho người chơi biết để cùng đưa tay ra và đập tay vào từ cuối nhịp:

Nồi đồng đúc khéo/ Cái kéo thợ may
Cái cày cày ruộng/ Cái thuổng đắp bờ
Cái lờ thả cá/ Cái ná bắn chim
Cái kim may áo/ Cái giáo đi săn…

Lời ca có khi vừa đánh nhịp, vừa đánh dấu thời gian một chặng chơi.


Hết một lần bài ca là hết một chặng chơi, tiếp sang lần ca khác là chặng chơi tiếp theo. Khi từ cuối cùng của bài ca được tập thể xướng lên mà ai đó chưa hoàn thành thao tác là thua (Xếp chuồng lợn, Thi trồng cây…). Với những trò chơi có xuất phát điểm đồng loạt thì toàn bài ca là một phần chuẩn bị xuất phát, và từ cuối cùng được xướng to lên thay cho hiệu lệnh xuất phát (Chạy thi, Chạy cầm cây, Ngón nào hơn…). Một số trò chơi, người ta xướng lên từng từ một của bài đồng dao, cứ mỗi từ ứng vào một người hoặc một bàn tay, một bàn chân, lần lượt cho đến từ cuối cùng. Từ này trùng với ai hoặc chân tay của ai thì người ấy được lựa chọn (Trốn tìm, Đi trốn, Đi tìm, Chân ai nấm, Nu na nu nống…).

Vui chơi là nhu cầu cần thiết đối với sự phát triển của trẻ em. Các trò chơi dân gian của trẻ phần lớn đều gắn với những bài đồng dao, có tác dụng bổ sung, làm rõ chức năng thẩm mỹ của đồng dao. Ngược lại, đồng dao có vai trò rất lớn trong trò chơi trẻ em, bởi thiếu nó thì trò chơi sẽ tẻ nhạt vô vị. Lời đồng dao đóng góp quan trọng để thực hiện chức năng giáo dục và chức năng vui chơi của trẻ, với những nhiệm vụ rất đa dạng: giáo dục nhận thức, đức, trí, thể, mỹ; luyện phát âm, cung cấp từ ngữ; bồi dưỡng tình cảm; giữ nhịp cho thao tác chơi… Việc sáng tạo các trò chơi mới cần quan tâm đến đồng dao, đặt đúng vị trí của trò chơi trong hệ thống giáo dục của chúng ta.

Maria Rose (st)

Không có nhận xét nào