Header Ads

TIN MỚI NHẤT

Phân tích cái hay về nội dung và sự đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ Cháu làm bà còng

Phân tích cái hay về nội dung và sự đặc sắc về nghệ thuật trong bài thơ “Cháu làm bà còng” của Trần Đăng Khoa
“Cái chân thì khuệnh khoạng,
Tay vắt vẻo, lưng cong;
Đầu vấp va vấp vểnh,
Cháu bỗng hóa bà còng.
*****
Mèo tròn mắt lạ lùng,
Chị cười lăn ra đất;
Mẹ ngồi lặng hồi lâu,
Bà đứng trào nước mắt…”
              Trần Đăng Khoa



BÀI LÀM
Trần Đăng Khoa một “thần đồng” trong làng thơ Việt. 8 tuổi Trần Đăng Khoa đã có bài thơ “Con bướm vàng” được đăng báo. Tập thơ đầu tiên “Từ góc sân nhà em” in ở Nhà xuất bản Kim Đồng lúc Trần Đăng Khoa tròn 10 tuổi. Tập thơ thứ hai “Góc sân và khoảng trời” được in năm 1973. Thơ của Trần Đăng Khoa tự nhiên như cuộc sống vốn là thế, là tất cả những gì diễn ra hàng ngày dưới con mắt của một cậu bé, rất gần gũi, dung dị nhưng cũng rất tinh tế... Mỗi bài thơ là một bức tranh sinh động, nhiều màu sắc, và đầy tinh nghịch của tuổi thơ, và sắc màu cuộc sốn. Bài thơ “Cháu làm bà còng” được in trong tập thơ “Góc sân và khoảng trời” là một trong những bài thơ như thế.
“Cái chân thì khuệnh khoạng,
Tay vắt vẻo, lưng cong;
Đầu vấp va vấp vểnh,
Cháu bỗng hóa bà còng.
*****
Mèo tròn mắt lạ lùng,
Chị cười lăn ra đất;
Mẹ ngồi lặng hồi lâu,
Bà đứng trào nước mắt…”

Bài thơ được chia làm 2 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, theo nhịp điệu 3/2. Bài thơ được chia làm hai hướng nhìn khác nhau. Đoạn 1 của bài thơ “Cái chân thì khuệnh khoạng........cháu bỗng hóa bà còng” tác giả đặt mình là khán giả ngồi ở dưới nhìn lên sân khấu, một sân khấu nhỏ nơi góc sân nhà, nơi đó nhân vật “cháu” là diễn viên chính diễn vai “bà còng”. Một góc nhìn thứ 2 tác giả là người đặt mình ở trên sân khấu và nhìn xuống khán giả, khán giả là; con mèo, là chị, là mẹ, là bà....với những cảm xúc thăng trầm khác nhau đến lạ thường.

Với những ngôn từ tượng hình và những từ láy: “khuệnh khoạng”, “vắt vẻo”, “vấp va vấp vểnh” trong đoạn đầu bài thơ “Cháu làm bà còng”
“Cái chân thì khuệnh khoạng,
Tay vắt vẻo, lưng cong;
Đầu vấp va vấp vểnh,
Cháu bỗng hóa bà còng....”
Tác giả đã vẽ lên một khung cảnh, một sân khấu nhỏ nơi góc sân nhà. Sân khấu đó chỉ có một diễn viên duy nhất trong vai “cháu”. Cháu diễn một mình, “cháu” diễn vai diễn một “bà còng”, diễn viên “cháu” cố gắng bắt chước những cử điệu của “bà còng”, từ bước chân, các đánh tay, cách làm cho cái đầu “vấp va vấp vểnh” để rồi cuối cùng “cháu bỗng hóa bà còng”. Có thể ở đây, “cháu” diễn không chuyên nghiệp, không hoàn hảo như các diễn viên được đào tạo, nhưng “cháu” đã phần nào miêu tả, và “làm ra vẻ” gần giống cho đến mức giống như “bà còng”

Mở đầu bài thơ tác giả vẽ cho ta hình ảnh đầu tiên của diễn viên nhí bằng việc mô tả bước chân của “cháu” khi xuất hiện trên sân khấu. Với từ láy tượng hình “khuệnh khoạng” trong câu đầu của bài thơ giúp người đọc hình dung những bước chân trẻ con vốn thường nhanh thoăn thoắt, nhảy chân sáo, bây giờ cố ý gò và ép cho bước chân mình trở nên chậm chạm hơn, run rẩy hơn, và khuệnh khoạng để cho giống “bà còng” hơn.
Tay vắt vẻo, lưng cong
Đầu vấp va vấp vểnh
Ngoài bước chân “khuệnh khoạng” tác giả giúp độc giả ngạc nhiên hơn nữa bởi nhân vật “cháu” đã để ý rất kỹ hình ảnh của “bà còng” mỗi ngày, để rồi giờ đây “cháu” mới có thể diễn lại được cả chi tiết cái tay “vắt vẻo” với dáng đi của cái “lưng cong”, và cái đầu “vấp va vấp vểnh”.  Điều đáng chú ý ở đây là tác giả không dùng từ lưng khòng, hay lưng còng...để miêu tả dáng đi của “cháu” khi diễn vai “bà còng”, “bà còng” lưng của bà khòng, còng vì năm tháng, vì lao động cực nhọc nên lưng bà đã còng. Còn nhân vật “cháu” lưng thẳng, và mềm... “cháu” chỉ cố diễn cho giống bà nên lưng của “cháu” chỉ cong hơi giống bà thôi chứ không thực sự giống hoàn toàn được.

Với cụm từ láy đặc biệt “vấp va vấp vểnh” tác giả mô phỏng hình ảnh nhân vật “cháu” đã hoàn toàn nhập vai một bà cụ vừa nhịp nhịp bước đi, lưng còng gập nhấp nha nhấp nhô, tay đà đưa, vắt vẻo, chân loạng quạng, khệnh khoạng, thập thững, thi thoảng lại vấp một cái, người nghiêng lệch một bên hoặc chúi về phía trước. Còn mái đầu tóc bạc xác xơ thì lúc quay bên này, lúc quay bên kia, lúc hơi ngẩng lên, lúc lại cúi xuống “vấp va vấp vểnh”

Bằng biện pháp nghệ thuật láy, tượng hình, tác giả đã dùng “khuệnh khoạng” để miêu tả cho bước chân của nhân vật “cháu”, “vắt vẻo” cho cử điệu của cánh tay, “cong lưng” để miêu tả cử điệu dáng vẻ và “vấp va vấp vểnh” để miêu tả cử động của đầu...tất cả những cử điệu này đều diễn ra trong thinh lặng, như một màn diễn kịch câm trên sân khấu nhỏ. Thông qua nghệ thuật láy từ, tượng hình, tác giả đã giúp độc giả chứng kiến vai diễn “bà còng” của nhân vật “cháu” thật ngộ nghĩnh, vụng về nhưng dễ thương theo kiểu cách, điệu bộ của “con nít già”. Diễn viên nhí đó đã hoàn toàn trở thành một diễn viên chuyên nghiệp trong vai “bà còng” khi cuối đoạn thơ 1 tác giả thốt lên câu thơ “Cháu bỗng hóa bà còng”. Chắc hẳn “cháu” đã diễn rất nhiều, đã khiến khán giả cười, khóc, trầm tư rất nhiều với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Để rồi “cháu” mới thuần thục các động tác và hóa thân thành “bà còng” thực sự.

Nếu như chỉ dừng lại ở việc quan sát nhân vật “cháu” trong vai diễn “bà còng” thì chúng ta đã bỏ một phần rất quan trọng, quan trọng bởi diễn viên trở nên nổi tiếng hay không? một phần là nhờ sự cổ vũ, ủng hộ của khán giả bên dưới. Diễn viên sẽ không diễn trên sân khấu, khi ở dưới sân khấu không còn người xem. Ở đây, chúng ta tiếp tục phần còn lại với một hướng nhìn khác, hướng nhìn từ trên sân khấu xuống dưới.

Vẫn tiếp tục với cách sử dụng từ láy, Trần Đăng Khoa cho chúng ta bắt gặp cảm xúc đầu tiên của một khán giả, đó là chú mèo “Mèo tròn mắt lạ lùng”. Tại sao tác giả lại chọn chú mèo là nhân vật đầu tiên để miêu tả? Phải chăng chú mèo này là bạn thân, bởi lẽ con trẻ thường hay thích khám phá môi trường xung quanh và chơi với con vât? Cũng có thể đó là lý do, nhưng cũng có thể hình ảnh chú mèo “tròn mắt lạ lùng” là hình ảnh đầu tiên mà tác giả bắt gặp. Có thể nhân vật “cháu” diễn quá xuất sắc đến mức chú mèo cũng phải kinh ngạc.

Khán giả thứ 2 mà tác giả nhắc tới là cô chị “Chị cười lăn ra đất”. Có thể người khác khi quan sát sẽ thấy cô chị này thật vô tư và vô tâm....cười lăn ra đất là cái cười khoái chí, sảng khoái sau khi xem xong tiết mục “bà còng”. Tiếng cười ấy như phá tan bầu khí tĩnh mịch của màn kịch câm toàn là động tác của tay, chân, lưng, đầu...Và rồi không gian buổi diễn như trở nên trầm tĩnh hơn khi quay ống kính sang quan sát nhân vật thứ 3, đó là mẹ

Mẹ ngồi lặng hồi lâu

Nếu như ở đoạn thơ đầu chúng ta bắt gặp những từ láy tượng hình mô tả những hành động ngộ nghĩnh của “diễn viên nhí”, tới câu thứ 7 của bài thơ, mạch thơ và giọng văn như chậm lại, buồn hơn. Hành động “ngồi lặng hồi lâu” không nói một lời nào của mẹ xuất hiện trong ta nhiều câu hỏi và cảm giác khó tả. Xem con diễn vai “’bà còng” mẹ lại nhớ tới bà – mẹ của mẹ, với dáng vẻ gầy gò, ốm yếu, run rảy...? Hay mẹ lại nghĩ tới hình ảnh của chính mình trong tương lai? Mình cũng sẽ trở nên run rảy, lưng còng vì lao động, vì năm tháng và vì tuổi già?...Mẹ cứ mải miên man suy nghĩ, còn bà thì sao? “người mẫu” được “cháu” sắm vai.

Bà đứng trào nước mắt…

Bà không lặng hồi lâu, trầm tư mặc tưởng như mẹ, không móm mém cười hài lòng, cũng không xoa đầu cháu, phều phào ngợi khen… mà đứng như chôn chân một chỗ suốt từ lúc cháu bước ra sân khấu tới bây giờ, và…trào nước mắt!

Tác giả dùng từ miêu tả cách bà xem “cháu” diễn. Bà “đứng” chứ không “ngồi”, ngồi là một tư thế thụ động, còn đứng là tư thế của chủ động, của sự trong chờ và sẵn sàng. Bà “đứng” theo dõi “cháu” diễn lại chính mình từ đầu đến cuối, bà thấy rõ mình trong đó, như chính bà đang soi gương vậy. Nước mắt của bà “trào” ra, dòng nước mắt của niềm vui, hạnh phúc vì tấm lòng thơm thảo, ngoan ngoãn hiếu kính của cháu đối với bà hay bà thương cảm cho chính bản thân,cho sự già nua của tuổi tác, sự yếu đuối của sức khỏe vì những năm tháng làm lụng vất vả?  Dòng nước mắt ấy như sự hòa trộn cả niềm vui, hạnh phúc lẫn tủi nhục của phận người, của một kiếp người, nó tuôn trào, tuôn trào!
Cho dù là tiếng cười khanh khách đến mức “lăn ra đất” của chị, sự trầm tư mẹ hay những dòng nước mắt của bà....cùng xem một vở diễn nhưng mỗi con người, mỗi cảm xúc khác nhau, cảm xúc ấy rất thật, rất tình. Vì ở đó có tương quan gia đình, ruột thịt, của tình chị em, tình mẹ con, tình bà cháu.
Có thể ta sẽ thấy sao gia đình này thiếu thiếu cái gì đó? Phải chăng thiếu vắng người anh? Người cha? Người ông? Gia đình Việt lúc ấy thiếu vắng đàn ông? Bởi lẽ Trần Đăng Khoa thường miêu tả rất thật, thật như chính những gì tác giả sống và quan sát thấy.

Nét nghệ thuật của Trần Đăng Khoa đầy ẩn ý theo cách hiểu “Ý tại ngôn ngoại”. Trong bài thơ này “Cháu làm bà còng” mở đầu Trần Đăng Khoa vẽ cho ta hình ảnh ngộ nghĩnh tươi trẻ của tuổi mầm non, nhưng kết thúc là dòng nước mắt tuôn “trào” của bà.  Hơn thế nữa, bài thơ được viết vào năm 1972 – những năm tháng của chiến tranh, đó phải chăng là lý do bà “trào” nước mắt vì nhớ ông? Nhớ con trai? Đó cũng là lý do tại sao trong gia đình của “cháu” không thấy xuất hiện ông, cha, anh trai ở phía khán giả để xem, để thưởng thức và tán thưởng vai diễn của “cháu”.

Bài thơ “Cháu làm bà còng” của Trần Đăng Khoa đã sân khấu hóa bằng những từ láy tượng hình, và cho ta nhiều cảm xúc vui buồn, thăng trầm lẫn lộn. Nét tinh nghịch, ngộ nghĩnh đáng yêu của “cháu” đến tiếng cười dòn tan của chị, sự trầm tư của mẹ, và dòng nước mắt của bà. Tất cả đã vẽ lên một bức tranh của gia đình thời chiến, một gia đình tuy thiếu vắng những người đàn ông nhưng gia đình ấy vẫn đầy ắp tiếng cười, đầy ắp tình thân, ruột thịt của mẹ - con, chị - em, bà – cháu. Bài thơ kết thúc với dòng nước mắt tuôn “trào” của bà như một lời ngỏ. Rồi cuộc sống tương lai sẽ là buồn đau hay bình yên và hạnh phúc!

Tác giả: Maria Rose

Không có nhận xét nào